Sự di truyền của các gen trong ti thể và lục lạp

VnHocTap.com giới thiệu đến các em học sinh lớp 12 bài viết Sự di truyền của các gen trong ti thể và lục lạp, nhằm giúp các em học tốt chương trình Sinh học 12.

Nội dung bài viết Sự di truyền của các gen trong ti thể và lục lạp:
Trong tế bào chất cũng có những gen gọi là gen ngoài nhân hay gen ngoài NST hoặc gen tế bào chất. Bản chất của gen này cũng là ADN, có mặt trong plasmit của vi khuẩn, trong ti thể và lục lạp. Lượng ADN trong ti thể và lục lạp ít hơn nhiều so với ADN trong nhân. Cả ti thể và lục lạp đều chứa phân tử ADN chuỗi xoắn kép, trần, mạch vòng, tương tự ADN của vi khuẩn. Gen ở ti thể và lục lạp cũng có khả năng đột biến. Chẳng hạn ADN của lục lạp có đột biến làm mất khả năng tổng hợp chất diệp lục, tạo ra các lạp thể màu trắng. Lạp thể trắng lại sinh ra lạp thể trắng. Do vậy, trong cùng một tế bào lá có thể có cả 2 loại lạp thể màu lục và màu trắng. Sự phân phối ngẫu nhiên và không đều của 2 loại lạp thể này qua các lần nguyên phân sinh ra hiện tượng là có các đốm trắng, có khi cả một mảng lớn tế bào là không có diệp lục, như ở lá vạn niên thanh. 1. Sự di truyền ti thể Bộ gen của ti thể được kí hiệu mtADN (mitochondrial DNA), có hai chức năng chủ yếu: – Mã hoá nhiều thành phần của ti thể : hai loại rARN, tất cả tARN trong ti thể và nhiều loại prôtêin có trong thành phần của màng trong ti thể. – Mã hoá cho một số prôtêin tham gia chuỗi chuyền electron.
Người ta đã làm nhiều thực nghiệm chứng minh cơ sở di truyền của tính kháng thuốc là từ gen ti thể. Các tế bào kháng thuốc được tách nhân, cho kết hợp với tế bào bình thường mẫn cảm thuốc tạo ra tế bào kháng thuốc. Điều đó chứng tỏ tính kháng thuốc được truyền qua gen ngoài nhân. 2. Sự di truyền lục lạp Bộ gen của lục lạp được kí hiệu cpADN (chloroplast DNA): cpADN chứa các gen mã hoá rARN và nhiều tRN lục lạp. Nó cũng mã hoá một số prôtêin của ribôxôm, của màng lục lạp cần thiết cho việc chuyền electron trong quá trình quang hợp. Sự di truyền lục lạp là sự di truyền tế bào chất hay di truyền theo dòng mẹ được xác định ở các đối tượng khác nhau. Ví dụ : khi cho cây ngô lá xanh bình thường thụ phấn với cây ngô lá xanh có đốm trắng thì thế hệ con đều có lá xanh bình thường, còn khi cho cây ngô lá xanh đốm trắng thụ phấn với cây lá xanh bình thường thì thế hệ con xuất hiện một số cây lá xanh, một số cây có lá đốm và một số cây có lá bạch tạng hoàn toàn.