Điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân thực

VnHocTap.com giới thiệu đến các em học sinh lớp 12 bài viết Điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân thực, nhằm giúp các em học tốt chương trình Sinh học 12.

Nội dung bài viết Điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân thực:
Cơ chế điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân thực phức tạp hơn cơ chế điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân sơ do cấu trúc phức tạp của ADN trong nhiễm sắc thể (NST). ADN trong các tế bào của sinh vật nhân thực có số lượng các cặp nuclêôtit rất lớn. Chỉ có một phần nhỏ ADN mã hoá các thông tin di truyền còn đại bộ phận đóng vai trò điều hoà hoặc không hoạt động. Tế bào tổng hợp prôtêin nhiều hay ít là do nhu cầu từng giai đoạn phát triển của tế bào. ADN nằm trong NST có cấu trúc bện xoắn phức tạp cho nên trước khi phiên mã, NST phải tháo xoắn. Sự điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân thực qua nhiều mức điều hoà, qua nhiều giai đoạn như: NST tháo xoắn, phiên mã, biến đổi sau phiên mã, dịch mã và biến đổi sau dịch mã.
Trong cùng một loại tế bào, các loại mARN có tuổi thọ khác nhau. Các protein đã được tổng hợp xong vẫn tiếp tục chịu một cơ chế kiểm soát của các enzim. Các prôtêin nào không còn cần thiết sẽ bị enzim phân giải. Ở các sinh vật nhân thực, bên cạnh vùng khởi động và kết thúc phiên mã, còn có các yếu tố hoặc trình tự điều hoà khác như các đoạn trình tự tăng cường, đoạn trình tự gây bất hoạt. Các đoạn trình tự tăng cường làm tăng sự phiên mã ; còn đoạn trình tự gây bất hoạt làm giảm hoặc ngừng quá trình phiên mã. Hiện nay, chữa thiết lập được sơ đồ hoàn chỉnh về điều hoà hoạt động của gen ở sinh vật nhân thực.