VnHocTap.com giới thiệu đến các em học sinh lớp 12 bài viết Hệ động, thực vật trên các đảo, nhằm giúp các em học tốt chương trình Sinh học 12.
Nội dung bài viết Hệ động, thực vật trên các đảo:
Người ta phân biệt hai loại đảo. Đảo lục địa là một phần của lục địa bị tách ra do một nguyên nhân địa chất nào đó, cách li với đất liền bởi một eo biển. Đảo đại dương hình thành do một vùng đáy biển bị nâng cao và chưa bao giờ có liên hệ trực tiếp với lục địa. Vào lúc đảo lục địa mới tách khỏi đất liền thì hệ động vật ở đây không có gì khác các vùng lân cận của lục địa. Về sau, do sự cách li địa lí nên hệ động vật trên đảo phát triển theo một hướng khác, tạo nên các phân loài đặc hữu. Ví dụ, quần đảo Anh trong thời kì băng hà đầu kỉ Đệ tứ còn là một phần của lục địa châu Âu, hệ động vật ở đó hiện giống với ở lục địa châu Âu. Đảo Coocxơ cũng đã tách từ lục địa châu Âu, hệ động vật ở đó giống miền ven biển Địa Trung Hải, tuy nhiên, có một số phân loài đặc hữu như : nai nhiều gạc, mèo rừng, thỏ rừng. Khi đảo đại dương mới hình thành thì ở đây chưa có sinh vật. Về sau mới có một Số loài di cư từ các vùng lân cận đến, thường là những loài có khả năng vượt biển như : dơi, chim, một số sâu bọ, không có lưỡng cư và thú lớn nếu đảo ở xa đất liền. Do cách li địa lí, dần dần tại đây đã hình thành những dạng địa phương, có khi dạng địa phương chiếm ưu thế.
Quần đảo Galapagột cách bờ biển phía Tây của Nam Mĩ 1000km, có 105 loài chim, trong đó có 82 loài là dạng địa phương ; trong 48 loài thân mềm đã có 41 loài là dạng địa phương. Ở đây không có một loài lưỡng cư nào mặc dù rùng ở đây rất thuận lợi cho chúng phát triển. Tuy vậy, tất cả các động vật ở Galapagột vẫn mang vết tích nguồn gốc từ Nam Mĩ. Thực vật có hoa ở quần đảo này có khoảng 700 loài, trong đó có 250 loài là loài địa phương. Việt Nam có hơn 3200km bờ biển, hơn 2500 đảo lớn nhỏ nằm trong lãnh hải. Đến nay, trên các đảo này đã xác định được 1764 loài thực vật và 370 loài động vật. Động, thực vật ở đây mang tính chất hệ động, thực vật của đất liền, nhưng kém đa dạng về thành phần loài. Tuy nhiên, trên các đảo vẫn có một số loài đặc hữu như : voọc đầu trắng ở đảo Cát Bà, sóc đen Côn Đảo ở Côn Đảo, yến (Callocalia fuciphaga) ở các đảo Trung Bộ. Đặc điểm hệ động vật ở đảo là bằng chứng về quá trình hình thành loài mới dưới tác dụng của các nhân tố tiến hoá, trong đó chủ yếu là chọn lọc tự nhiên. Những dẫn liệu địa sinh vật học chứng tỏ mỗi loài động vật hay thực vật đã phát sinh trong một thời kì lịch sử nhất định, tại một vùng nhất định. Từ vùng trung tâm đó, loài đã mở rộng phạm vi phân bố và tiến hoá theo con đường phân li, thích nghi với những điều kiện địa lí, sinh thái khác nhau. Cách li địa lí là cơ chế thúc đẩy sự phân li. Những vùng tách riêng ra càng sớm thì càng có nhiều dạng đặc trưng và các dạng địa phương này càng sai khác rõ rệt với các dạng tương ứng ở các vùng lân cận.