Chiều hướng tiến hoá của từng nhóm loài

VnHocTap.com giới thiệu đến các em học sinh lớp 12 bài viết Chiều hướng tiến hoá của từng nhóm loài, nhằm giúp các em học tốt chương trình Sinh học 12.

Nội dung bài viết Chiều hướng tiến hoá của từng nhóm loài:
Theo A.N. Xêvecxốp, lịch sử phát triển của một loài hay một nhóm loài có thể đã diễn ra theo một trong hai hướng chính là : tiến bộ sinh học hay thoái bộ sinh học. Tiến bộ sinh học là xu hướng phát triển ngày càng mạnh biểu hiện ở 3 dấu hiệu : Số lượng cá thể tăng dần, tỉ lệ sống sót ngày càng cao. – Khu phân bố mở rộng và liên tục. – Phân hoá nội bộ ngày càng đa dạng và phong phú. Ví dụ, các nhóm giun tròn, côn trùng, cá xương, chim, thú, cây hạt kín là những nhóm đã và đang tiến bộ sinh học. Giảm bớt sự lệ thuộc vào các điều kiện môi trường bằng những đặc điểm thích nghi mới ngày càng hoàn thiện là xu hướng cơ bản của sự phát triển tiến bộ.
Thoái bộ sinh học là xu hướng ngày càng bị tiêu diệt biểu hiện ở 3 dấu hiệu : – Số lượng cá thể giảm dần, tỉ lệ sống sót ngày càng thấp. Khu phân bố ngày càng thu hẹp và trở nên gián đoạn. Nội bộ ngày càng ít phân hoá, một số nhóm trong đó hiếm dần và cuối cùng là diệt vong. Ví dụ, một số loài dương xỉ, phần lớn lưỡng cư và bò sát đang thoái bộ sinh học. Kém thích nghi với các điều kiện môi trường là nguyên nhân dẫn tới sự thoái bộ sinh học. I.I. Somangauzen còn nêu hướng tiến hoá thứ ba là kiên định sinh học. Dấu hiệu của hướng này là duy trì sự thích nghi ở mức độ nhất định, số lượng cá thể không tăng mà cũng không giảm. Trong ba hướng nói trên, tiến bộ sinh học là hướng quan trọng hơn cả. Trong lịch sử, các nhóm sinh vật tiến hoá với những tốc độ không đều nhau. Những loài gọi là hoá thạch sống giữ nguyên dạng ban đầu cho đến nay. Giống sam vẫn giữ nguyên hình như lúc sinh ra ở kỉ Xilua cách đây 400 triệu năm. Trong khi đó, chỉ sau 80 triệu năm, lớp Thú đã phát triển thành hơn 2 000 chi, chiếm ưu thế tuyệt đối trong giới động vật.