Các yếu tố ngẫu nhiên

VnHocTap.com giới thiệu đến các em học sinh lớp 12 bài viết Các yếu tố ngẫu nhiên, nhằm giúp các em học tốt chương trình Sinh học 12.

Nội dung bài viết Các yếu tố ngẫu nhiên:
Tần số tương đối của các alen trong một quần thể có thể thay đổi đột ngột do một yếu tố ngẫu nhiên nào đó (hiện tượng này còn gọi là biến động di truyền hay phiêu bạt di truyền). Chẳng hạn: Tần số tương đối của các alen ở quần thể gốc là 0,5A :0,5a đột ngột biến đổi thành 0,7A : 0,3a ở quần thể mới, thậm chí tần số của A = 0, của a = 1. Nguyên nhân ở đây có thể do sự xuất hiện những vật cản địa lí (núi cao, sông rộng…) chia cắt khu phân bố của quần thể thành những phần nhỏ hoặc do sự phát tán hay di chuyển của một nhóm cá thể đi lập quần thể mới đã tạo ra tần số tương đối của các alen khác với quần thể gốc. Quần thể mới có thể được hình thành từ một nhóm ít cá thể di cư tới một vùng đất mới. Nhóm cá thể sáng lập chỉ ngẫu nhiên mang một phần nào đó trong Vốn gen của quần thể gốc, do đó tạo ra sự biến đổi lớn trong cấu trúc di truyền của quần thể mới.
Ví dụ : Ở người Eskimô, tần số alen Io trong các quần thể lớn ở Greenlan là 2%-4%, trong khi các quần thể nhỏ vùng Cực Bắc, tần số đó là 9%. Quần thể mới cũng có thể được hình thành từ một quần thể lớn vào thời điểm số lượng cá thể đã giảm sút ở vào thế “cổ chai”. Chỉ một số rất ít cá thể được sống sót, sau đó gặp điều kiện thuận lợi quần thể lại phát triển. Hiện tượng tần số tương đối của các alen trong một quần thể ngẫu nhiên thay đổi đột ngột thường xảy ra trong những quần thể nhỏ. Số lượng cá thể của nhóm càng ít thì độ dao động của tần số gen càng cao. Ở những nhóm động vật di cư tới các quần đảo, người ta thường thấy sự biến động đột ngột tần số tương đối của các alen kiểu như vậy. Trong thiên nhiên, số lượng cá thể trong quần thể của nhiều loài có thể thay đổi rất lớn phụ thuộc vào mùa, thời tiết, tương quan sinh học và nhiều yếu tố khác. Kích thước quần thể quyết định hiện tượng biến động di truyền (phiêu bạt di truyền) là kích thước khi quần thể thu hẹp lại bé nhất. Đó là một điều kiện phát huy hiệu quả của chọn lọc tự nhiên, có như thế, các đột biến thích ứng được với các điều kiện không thuận lợi của môi trường, tuy rất hiếm, nhưng sau khi đã được duy trì lại rồi có khả năng sinh sản nhanh để thay thế các dạng cũ kém thích ứng hơn. Như vậy, biến động di truyền không chỉ tác động độc lập mà còn phối hợp với chọn lọc tự nhiên.